Wednesday, October 14, 2009

Bertrand Russell - Triết học cho người không học triết


Triết học cho người không học triết
Bertrand Russell

Philosophy for Laymen
trong “Unpopular Essays” của Bertrand Russell [1]



Loài người, từ thuở có các cộng đồng văn minh, đã đối đầu những vấn đề thuộc hai loại khác nhau. Một bên là vấn đề làm sao chế ngự các sức mạnh thiên nhiên, tìm thu kiến thức và kỹ xảo cần thiết để tạo dụng cụ, vũ khí và đưa Tự Nhiên vào việc sản xuất các động vật và thực vật hữu ích[2]. Vấn đề này, trong thế giới tân tiến, có khoa học và kỹ thuật giải quyết, và kinh nghiệm cho thấy để giải quyết nó cho thích đáng, cần phải huấn luyện một số đông chuyên viên các ngành hạn hẹp.

Nhưng còn vấn đề loại thứ nhì, không trắng đen tách biệt bằng, và bởi vài nhầm lẫn nên đã xem là không quan trọng. Tôi muốn nói đến vấn đề - chúng ta điều động các sức mạnh trong thiên nhiên - thế nào cho tốt nhất. Nó gồm những vấn đề nóng bỏng như dân chủ hay độc tài, chủ nghĩa tư bản hay chủ nghĩa xã hội, chính quyền quốc tế hay không chính quyền quốc tế, tự do luận giải hay độc đoán giáo điều. Về những vấn đề như thế, phòng thí nghiệm không thể cho ra những hướng dẫn quyết định. Thứ kiến thức có ích nhất để giải quyết các vấn đề như thế là một nghiên cứu rộng rãi sinh hoạt loài người, trong quá khứ cũng như trong hiện tại, và một nhận thức sâu sắc những nguyên nhân của bất hạnh hoặc của mãn nguyện như chúng xuất hiện trong lịch sử. Rồi sẽ tìm thấy rằng có thêm kỹ năng đã không, từ chính nó, bảo đảm bất kỳ có thêm sung sướng hay phúc lợi nào cho loài người. Khi con người bắt đầu biết vỡ đất trồng hoa màu, đã dùng kiến thức của họ, thiết lập một tín ngưỡng ác độc giết người tế thần. Đầu tiên thuần được giống ngựa, những người này đã cỡi chúng đi cướp phá và bắt rất đông đảo dân cư hiền hòa làm nô lệ. Lúc cuộc cách mạng kỹ nghệ mới khai sinh, người ta tìm được cách chế biến bông vải thành sản phẩm, kết quả thật hãi hùng: vận động bãi bỏ chế độ nô lệ của Jefferson[3] ở Bắc Mỹ, ở điểm sắp thành công, bị hủy tắt ngay; nạn bắt trẻ con lao động ở nước Anh phát triển đến mức ác độc kinh sợ; và chủ nghĩa thực dân khốc hại ở châu Phi được khích động bởi hy vọng có thể xui người da đen mặc quần áo bông vải. Trong thời chúng ta, sự kết hợp giữa thần khoa học và tài kỹ thuật đã sản xuất ra bom nguyên tử, nhưng sau khi sản xuất nó xong chúng ta kinh hoảng, và không biết làm gì với nó. Những trường hợp như thế, trải khắp các thời kỳ lịch sử khác nhau, cho thấy cần cái gì đó khác hơn là tài khéo, cái gì đó có lẽ có thể được gọi là “khôn ngoan”. Đây là một thứ phải học lấy cho được, nếu nó có thể học được, bằng những phương cách của các môn học khác hơn là những phương cách học tập dành cho khoa học kỹ thuật. Và - hơn bao giờ hết - nó là thứ cần bây giờ hơn là trong quá khứ, vì sự tiến bộ nhanh chóng của kỹ thuật làm thói quen suy nghĩ và hành động cổ điển càng bất xứng hợp hơn nhiều so với thời trước.

Triết học – “Philosophy” - có nghĩa là “yêu thích sự khôn ngoan”, và triết học[4] trong nghĩa này mới là thứ mà con người phải thu tập; nếu những năng lực mới, do các nhà kỹ thuật khám phá và chuyển qua cho những người bình thường xử dụng, không chôn vùi loài người vào những địa chấn kinh hoàng. Nhưng thứ triết học nên là phần của giáo dục phổ thông, không giống như triết học của những người chuyên triết học. Không phải chỉ riêng triết học, nhưng trong tất cả các ngành học hàn lâm, có sự phân biệt giữa những gì có giá trị văn hóa và những gì chỉ thuộc về theo đuổi chuyên môn. Các sử gia có thể tranh luận về những gì đã xảy ra cho cuộc viễn chinh của Sennacherib[5] năm 698 BC, nhưng những ai không phải là sử gia không cần phải biết sự khác biệt giữa cuộc viễn chinh ấy với các cuộc viễn chinh của ông ba năm trước đó. Các nhà chuyên môn học Hylạp có thể thảo luận hữu ích về một kịch bản hồ nghi của Aeschylus[6], nhưng những nội dung như thế không dành cho người, dù có đời sống bận rộn, muốn có được ít nhiều hiểu biết về các thành tựu của Hylạp. Tương tự, những người dành trọn đời cho triết học phải suy nghĩ những vấn đề mà công chúng với học vấn phổ thông có quyền bỏ qua, thí dụ như sự khác biệt trong lý thuyết về phổ quát của Aquinas[7] và Duns Scotus [8], hay những tính chất ngôn ngữ phải có, nếu ngôn ngữ ấy có thể nói – nếu được - những điều về chính nó mà không rơi vào vô nghĩa. Những câu hỏi như thế thuộc về những mặt chuyên biệt kỹ thuật của triết học, và thảo luận về chúng không thể đóng vào phần cho văn hóa tổng quát.

Giáo dục nhà trường nên nhằm đến sự có thêm những gì có giá trị văn hóa từ các ngành sử học, văn học và triết học - nhiều đến mức thời gian cho phép - như một sửa chữa tác động ngược với sự chuyên khoa do kiến thức gia tăng nên không sao tránh được. Nên làm thành dễ dàng, để một người trẻ không biết tiếng Hylạp, có thể qua dịch thuật mà có được và hiểu biết, dù không đầy đủ, về những gì những người Hylạp đã thành tựu được. Thay vì học hết ông vua Anh này qua ông vua Anh khác, trong nhà trường, nên có vài cố gắng đưa ra một tổng quan lịch sử thế giới, đem những vấn đề ở thời chúng ta vào tương quan với những gì các nhà tu nước Egypt, các hoàng đế xứ Babylon và những nhà cải cách thành Athen, cũng như với tất cả các hy vọng và tuyệt vọng trong các thế kỷ đó. Nhưng từ cùng quan điểm như thế, tôi muốn viết chỉ về môn triết học.

Triết học có, từ những ngày sớm nhất của nó, hai đối tượng được tin là có tương hệ chặt chẽ. Một mặt, nó vươn đến một sự hiểu biết lý thuyết về cấu trúc của thế giới, mặt khác, nó cố gắng khám phá và gieo trồng cái cách sống tốt đẹp nhất có thể có được. Từ Heraclitus đến Hegel, hay ngay cả đến Marx, nó không ngừng giữ cả hai mục đích, nó không hoàn toàn là thuần lý thuyết cũng chẳng hoàn toàn thuần thực tiễn, nhưng tìm một lý thuyết về vũ trụ, trên ấy đặt nền một đạo đức thực tiễn.

Thế nên, triết học đã liên hệ chặt chẽ với khoa học ở một cánh, và với tôn giáo ở cánh kia. Trước tiên, chúng ta hãy thử xem xét mối liên hệ với khoa học. Cho đến thế kỷ XVIII, khoa học vẫn được gộp chung vào trong cái thường quen gọi là “triết học”, nhưng sau đó trở đi, từ “triết học” đã giới hạn, về mặt lý thuyết của nó, vào những gì có tính suy đoán và tổng quát hơn trong các đề tài khoa học giải quyết. Đã hay nói rằng triết học không tiến bộ, thay đổi, nhưng phần lớn chỉ là chuyện hời hợt nói miệng: liền mỗi khi tìm được cách đi đến kiến thức chuẩn xác cho một vài câu hỏi đặt ra từ cổ thời, kiến thức mới tìm được kể là thuộc về khoa học, và triết học bị tước mất công trạng. Từ thời Hylạp xuống mãi tận thời Newton, lý thuyết về các hành tinh thuộc về triết học, vì nó không chắc chắn và phỏng đoán, nhưng Newton đem môn học ra khỏi lĩnh vực giả thuyết sao cũng được, làm nó thành một môn học đòi hỏi một thứ khả năng khác trước, khi nó còn nặng gánh với các nghi ngờ nền tảng. Anaximander, thế kỷ VI trước công nguyên, đã đưa ra một thuyết tiến hóa, và chủ trì rằng loài người bắt nguồn từ giống cá. Đó là triết học vì nó là một ức đoán không có chứng cớ tỉ mỉ nào chống đỡ, nhưng thuyết tiến hóa Darwin là khoa học, vì nó dựa trên các dạng sinh vật tiếp nối nhau tìm thấy trong hóa thạch, và trên sự phân bố động, thực vật ở nhiều vùng địa cầu. Một người có thể nói đùa - có phần nào sự thật; “Khoa học là những gì chúng ta biết, và triết học là những gì chúng ta không biết”. Nhưng cũng nên thêm rằng ức đoán triết học – về những gì chúng ta chưa biết - đã chứng tỏ tự nó là một chuẩn bị giá trị dẫn đến kiến thức khoa học chính xác. Những phỏng đoán của nhóm Pythagoreans[9] về thiên văn, của Anaximander[10] và Empedocles[11] về sinh vật tiến hóa và của Democritus về cấu trúc nguyên tử của vật chất, đã đem đến cho các nhà khoa học các thời sau những giả thuyết, mà nếu không từ các triết gia, có thể sẽ chẳng bao giờ nảy ra trong đầu họ được. Chúng ta có thể nói rằng, về mặt lý thuyết, triết học gồm, ít nhất có phần, vào việc dựng khung những giả thuyết tổng quát rộng lớn mà khoa học chưa sẵn tư thế thử nghiệm, nhưng khi trở thành có thể xét nghiệm được, các giả thuyết này, nếu chứng nghiệm, thành một phần của khoa học, và thôi không còn kể là thuộc triết học nữa.

Sự hữu dụng của triết học, về mặt lý thuyết, không phải chỉ thu vào các ức đoán mà chúng ta hy vọng rồi với một thời gian vừa phải, sẽ được khoa học xác nhận hay phủ nhận. Có những người rất thán phục những gì khoa học biết được mà quên những gì khoa học không biết. Có những người khác lại quan tâm quá đến những gì nó không biết hơn là những gì nó biết, đến mức thu cho nhỏ đi những thành tựu của khoa học. Những người nghĩ rằng khoa học là tất cả, trở nên tự mãn và tự phụ, và dèm pha tất cả các quan tâm về những vấn đề còn thiếu qui định chuẩn xác thiết yếu cho giải quyết khoa học. Trong nội dung thực tiễn, họ nghiêng về suy nghĩ rằng kỹ xảo có thể thế chỗ khôn ngoan, và giết nhau bằng những phương tiện mới nhất mới là “tiến bộ” hơn, và do đó hay hơn, là giữ hai bên cùng chung sống bằng các phương cách “lỗi thời”. Mặt khác, những người dè bỉu khoa học, lại đi trở ngược, như định luật, về những mê tín cổ lỗ chết người và từ chối không thừa nhận có sự tăng trưởng lớn lao hạnh phúc con người mà kỹ thuật khoa học, nếu xử dụng khôn ngoan, có thể làm thành được. Cả hai thái độ này đều đáng trách, và chính triết học mới chỉ ra thái độ đúng đắn, bằng cách, một khi làm sáng tỏ cả phạm vi lẫn giới hạn của kiến thức khoa học.

Hãy ngắn ngủi tạm đặt qua một bên, tất cả những câu hỏi có dính dáng với đạo đức hay với các nguyên tắc giá trị, có một số các câu hỏi thuần túy lý thuyết, cứ trở đi trở lại không thôi và được quan tâm mạnh mẽ, mà với bất cứ giá nào hiện nay, khoa học không trả lời được. Chúng ta có tồn tại, dù với nghĩa nào đi nữa, sau cái chết không? và nếu có, chúng ta tồn tại một thời gian thôi hay mãi mãi? Tinh thần chi phối vật chất hay vật chất hoàn toàn chi phối tinh thần, hay có lẽ, mỗi thứ có giữ một mức độc lập nào đó? Vũ trụ có mục đích gì không? Hay tất yếu mù lòa lèo lái nó? Hay là nó là một hỗn mang (chaos) và rối bòng bong, trong đó, những luật tự nhiên mà chúng ta nghĩ là chúng ta tìm ra, thực là những huyễn tưởng tô vẽ từ chính lòng chúng ta yêu trật tự? Nếu vũ trụ có lớp có lang, trong ấy sự sống đóng vai quan trọng hơn là như các nhà vũ trụ học dẫn giải cho chúng ta, hay sự nhấn mạnh của chúng ta về sự sống chẳng qua chỉ là sự tự thổi phồng hẹp hòi, thiển cận? Tôi không biết lời đáp những câu hỏi này, và tôi không tin có bất kỳ ai biết được, nhưng nếu quên mất những câu hỏi đó, hay nếu chấp nhận thật chắc chắn những lời đáp mà không có đầy đủ chứng cớ, tôi nghĩ đời người sẽ nghèo nàn đi. Nuôi sống sự quan tâm vào những câu hỏi như thế, và nghiên cứu chi ly các lời đáp đưa ra, là một trong những chức năng của triết học.

Những ai nồng nhiệt với lời lãi nhanh chóng và với kết toán tài chính đâu ra đó, giữa nỗ lực và thưởng lệ, có thể cảm thấy mất kiên nhẫn về một môn học mà nó không thể, trong tình trạng hiểu biết hiện nay của chúng ta, đi đến được sự chắc chắn, và khuyến khích sự hoạt động, có thể nghĩ là phí thì giờ về những suy tưởng không đi đến đâu cho những vấn đề không có giải đáp. Quan điểm này, tôi không thể tán thành dù ở mức nào. Ít nhiều một thứ triết học gi đó, là cần thiế cho tất cả (mọi người), chỉ trừ ra thứ vô nghĩa nhất, và trong trường hợp không kiến thức này, chắc chắn nó là một triết lý ngớ ngẩn. Kết quả của nó là loài người trở nên phân chia vào thành các nhóm đối lập những cuồng tín, mỗi nhóm quyết chắc như đinh đóng cột cái mình mang chính thực là chân lý linh thiêng, trong khi phía bên kia là sai lầm đáng chết! Những người Arian[12] và người Catô, Những người viễn chinh thánh chiến (Crusaders) và những người Muslim, những người Tin lành (Protestants) và những đệ tử của các giáo hoàng Catô[13], những người cộng sản và những người phát xít, tất cả đã làm đầy những phần lớn 1600 năm qua với những xung đột vô ích, trong khi chỉ với một chút triết lý là đã có thể dạy cho cả hai bên rằng tất cả các tranh chấp đó, chẳng bên nào có một tí lý do chính đáng nào để tin rằng mình có lẽ phải. Giáo điều chủ nghĩa là thù địch của hòa bình và rào cản không vượt được của dân chủ. Trong thời đại hiện nay, ít nhất cũng như trong các thời trước, nó là chướng ngại tinh thần to lớn nhất cho hạnh phúc nhân loại.

Đòi hỏi sự chắc chắn là một điều tự nhiên của con người, nhưng tuy thế lại là một tật xấu trí thức. Nếu bạn dắt con trẻ đi picnic vào một ngày thời tiết không chắc chắn, chúng sẽ khăng khăng đòi trả lời cứng chắc - là trời sẽ mưa hay nắng, và chúng sẽ thật thất vọng nếu trả lời là bạn không thể chắc. Một thứ đảm bảo như thế cũng đòi hỏi, vào lúc cuối đời, ở những ai nhận vai trò đưa dân chúng vào Đất Hứa. “Bỏ sạch vốn liếng buôn lời bán lãi đi và những kẻ sống xót sẽ vui hưởng thiên đàng vĩnh viến[14]“. “Giết sạch bọn Jews đi và mọi người sẽ thành thánh thiện”. “Giết người Croats và để người Serb trị vì”. Đó là mẫu những khẩu hiệu đã được chấp nhận thật phổ thông rộng rãi trong thời chúng ta. Dẫu chỉ với một tí triết học đã có thể làm chuyện chấp nhận sự khát máu vô nghĩa như thế không thể nào thành được. Nhưng chừng nào con người không được huấn luyện giữ phán đoán lại trong trường hợp thiếu chứng cớ, họ sẽ bị các đấng tiên tri, các giáo chủ cực kỳ kiêu ngạo dẫn dụ lạc đường, và có lẽ đúng là những lãnh tụ của họ nếu không cuồng tín xuẩn động thì phải là gian xảo bịp bợm. Chịu đựng sự bất định thì khó khăn, nhưng cũng là thế với các phẩm hạnh khác. Vì học tập mỗi tính tốt nào cũng đòi hỏi một kỷ luật tương hợp, và để học tính kìm giữ phán đoán, triết học là thứ kỷ luật thượng hạng.

Nhưng nếu triết học có phụng sự một mục tiêu tích cực nào, nó phải không chỉ dạy có sự hoài nghi mà thôi, vì, trong khi kẻ giáo điều thì tai hại, người hoài nghi thì vô dụng. Cả hai chủ nghĩa giáo điều và hoài nghi, theo một cách, đều là những triết lý độc đoán: môt cái nhất quyết rằng biết, cái kia nhất quyết không biết. Cái mà triết học nên xua đi là sự tin chắc, về kiến thức hay về ngu dốt. Kiến thức không chuẩn xác đến mức như ở khái niệm đông đảo vẫn nghĩ. Thay vì nói “Tôi biết điều này”, chúng ta nên nói “Tôi biết ít nhiều vài điều ít nhiều giống như vầy”. Đúng là qui định này thì không mảy may cần thiết như khi nói về bảng nhân (cửu chương), nhưng kiến thức trong công việc thực tiễn không có sự đoan chắc hay chính xác của bảng nhân. Giả sử như khi tôi nói “dân chủ là điều tốt”; tôi phải thú nhận, trước hết, tôi ít chắc chắn về điều này hơn là - hai lần hai thành bốn, và thứ nhì, “dân chủ” là một từ có hơi chút mơ hồ mà tôi không thể định nghĩa cho chính xác. Chúng phải nên nói, như vầy, “Tôi khá chắc chắn nó là một điều tốt nếu một chính phủ có cái gì đó mang những đặc điểm thấy chung trong chính phủ Anh và trong hiến pháp nước Mỹ”, hay điều gì đó tương tự cùng loại. Và một trong những mục đích của giáo dục là nên làm những phát biểu như thế hữu hiệu hơn trên diễn đàn, khác thứ khẩu hiệu chính trị thông thường.

Do có nhận thức rằng - tất cả các kiến thức của chúng ta, trong một mức nhiều hay ít, bất định và không rõ rệt – vẫn chưa đủ, nên đồng thời - cần thiết học hành động trên cái giả thuyết tốt nhất dù không cứng chết tin chặt vào nó. Trở lại với chuyện đi chơi picnic, dẫu khi bạn nhận trời có thể mưa chăng, lúc bắt đầu nếu bạn nghĩ có thể tốt trời, nhưng bạn cho phép trường hợp nghịch lại có thể xảy ra, bằng cách đem áo mưa đi theo. Nếu bạn là người giáo điều, bạn sẽ bỏ áo mưa ở nhà. Cùng nguyên tắc như thế áp dụng cho các vấn đề quan trọng hơn. Người ta có thể nói rộng ra rằng: tất cả những gì đáng được gọi là kiến thức có thể xếp đặt theo một trật tự trên dưới, có thứ bậc là mức độ chắc chắn, với số học và các sự kiện của tri giác ở trên cao nhất. Cái điều hai nhân hai thành bốn và tôi đang ngồi viết trong phòng tôi, là những phát biểu mà nếu có nghi ngờ nghiêm trọng nào về phần tôi thì phải là chuyện tâm thần. Tôi cũng gần chắc chắn như thế là hôm qua là một ngày đẹp trời, nhưng không hẳn chắc bằng, vì trí nhớ nhiều khi đóng vai lừa dối. Ký ức càng xưa càng nên ngờ, nhất là nếu có lý do tình cảm manh mẽ muốn chúng ta nhớ sai đi, như là, lấy thí dụ, khiến vua George IV “nhớ” mình có mặt trong trận chiến Waterloo[15]. Những luật khoa học có thể gần như chắc chắn, hay chỉ có lẽ hơi đúng, tùy theo thể trạng của chứng cớ. Khi bạn hành động dựa vào một giả định mà bạn biết là không chắc đúng, hành động của bạn phải nên sao vẫn sẽ không có hậu quả tác hại xảy ra nếu như giả định của bạn ra là sai lầm. Trong trường hợp chuyến đi chơi picnic, bạn có thể liều cho ướt át nếu mọi người tham dự đều mạnh mẽ, nhưng không nên để xảy ra nếu chỉ một người trong họ mảnh dẻ có thể bị nhiễm chứng viêm phổi. Hay giả thử bạn gặp một người theo giáo phái Muggletonian[16], bạn đúng đấy, nếu xoay ra bàn cãi với họ, vì cũng chẳng hại gì, cùng lắm là sẽ chỉ chết tiền bia, nếu như vị Muggleton giáo chủ đó thực sự là một vĩ nhân đúng như các tín đồ của ông vẫn giả dụ tin tưởng, nhưng bạn sẽ không đúng nếu lôi anh ta ra đốt sống, vì cái ác độc đốt sống người là chắc chắn, chắc chắn hơn là bất cứ mệnh đề thần lý tôn giáo nào. Dĩ nhiên, nếu những người Muggletonian đã quá đông đảo và quá cuồng tín đến nỗi hoặc là bạn hay là họ phải bị giết, vấn đề sẽ càng thêm lớn mạnh khó khăn, nhưng nguyên tắc tổng quát vẫn phải giữ như thế, là một giả thuyết còn nghi ngờ[17] không thể lấy để biện hộ, bào chữa cho một hành động ác độc là đúng, trừ khi một sự ác độc ngang bằng như thế cũng chắc chắn có như thế ở phía giả thuyết đối nghịch.

Triết học, như chúng ta đã nói, có cả hai mục đích lý thuyết và thực tiễn. Bây giờ, đến lúc xem xét cái thứ nhì.

Trong hầu hết các triết gia cổ thời, có sự nối kết chặt chẽ giữa một quan điểm về vũ trụ và một học thuyết về cách sống tốt đẹp nhất[18]. Trong họ, có số thành lập các hội tương ái có phần giống giống như các dòng tu các thời sau. Socrates và Plato làm các nhà sophists[19] kinh hoảng vì cả hai không có các mục tiêu tín ngưỡng. Nếu triết học có đóng vai nghiêm trọng trong đời sống những người không chuyên học triết, nó phải không ngưng cổ vũ cho một lối sống nào đó. Làm như thế, nó tìm cách thực hiện một vài điều mà tôn giáo đã làm nhưng với những khác biệt rõ rệt. Sự khác biệt lớn nhất là nó không kêu gọi đến uy quyền, dù đến từ truyền thống hay từ một quyển sách thiêng liêng[20] . Khác biệt quan trọng thứ hai là một triết gia không nên tìm cách thành lập một giáo hội; Auguste Comte[21] đã thử, và đã thất bại, đáng cho ông lắm. Thứ ba là nên nhấn mạnh nhiều vào các phẩm hạnh trí thức hơn là thói thường vẫn có từ sau văn minh Hellenic[22] suy tàn.

Có một sự khác biệt quan trọng giữa đạo đức giảng dạy của các triết gia cổ thời và những gì thích hợp với thời của chúng ta. Các triết gia cổ thời đưa ra mẫu chính nhân nhàn nhã, mẫu người này có thể sống theo những gì họ xem là tốt đẹp với họ, và họ còn có thể, nếu họ chọn thế, lập một thành-quốc độc lập, có những luật lệ đặt ra theo tinh thần chủ thuyết của vị thày khai môn. Đại đa số các người học thức ngày nay không có thứ tự do như thế; họ phải kiếm sống trong khuôn khổ đã có sẵn của xã hội, và họ không thể làm được những thay đổi quan trọng trong sinh hoạt của chính họ, trừ khi họ họ thực hiện thành công các thay đổi quan trọng trong chính trị và tổ chức kinh tế trước đã. Hậu quả là những xác quyết đạo đức của anh ta phải bày tỏ, nhiều hơn qua phần thỉnh cầu chính trị, và kém trong phần ứng xử cá nhân, so với trường hợp cổ thời. Và một khái niệm về một cách sống tốt đẹp phải là của xã hội hơn là của cá nhân. Ngay giữa các triết gia cổ thời, Plato đã nhận thấy thật rõ như thế trong Republic, nhưng phần nhiều đều có một quan niệm rất cá nhân về những mục đích nhân sinh.

Với những điều khoản như thế, chúng ta hãy xem triết học có gì để nói về chủ đề của khoa đạo đức.

Bắt đầu với các đức hạnh trí thức: Sự đeo đuổi của triết học dựng trên niềm tin kiến thức thì tốt đẹp, ngay cả khi cái biết có mang lại thương tổn. Một người thấm nhuần tinh thần triết học, dù là triết gia chuyên nghiệp hay không, sẽ muốn làm cho các tin tưởng của ông ta thành sự thật nhiều chừng nào tốt chừng ấy, và sẽ, thích biết được sai lầm và ghét cái sai lầm cùng mức độ ngang nhau. Nguyên tắc này có phạm vi rộng hơn là xem ra lúc thoạt nhìn đầu tiên. Những tin tưởng của chúng ta khởi dựng từ rất nhiều nguyên nhân khác biệt: từ những gì chúng ta được cha mẹ, thày cô giáo bảo cho biết thời nhỏ tuổi, từ những gì các tổ chức uy quyền bảo chúng ta để chúng ta làm theo ý họ muốn, từ những gì hoặc làm tăng hay giảm những sợ hãi của chúng ta, từ những gì chăm sóc lòng tự trọng của chúng ta, và vân vân tương tự. Bất kỳ một trong các nguyên nhân này có thể đưa chúng ta đến tin tưởng chân thực, nhưng dẫn chúng ta đi ngược hướng hay có cơ xảy ra hơn. Điềm tĩnh trí thức, do đó, sẽ đưa chúng ta đến xem xét kỹ lưỡng các tin tưởng của chúng ta thật cẩn thận, với một cái nhìn khám phá xem trong chúng - cái nào có lý do gì để tin tưởng là đúng. Nếu chúng ta thật khôn ngoan, chúng ta sẽ áp dụng thứ phê phán mạnh như cường toan (làm tan chảy) đặc biệt với những tin tưởng mà chúng ta đau lòng nhất khi phải ngờ vực, và những tin tưởng có cơ dễ nhất kéo chúng ta vào xung đột bạo lực với những người tin tưởng đối lập, nhưng như chúng ta, đều cùng không có nền tảng. Nếu thái độ này thành phổ thông, cái lợi từ sự giảm bớt chua chát cãi vã thật khôn lường.

Còn có một đức hạnh trí thức khác nữa, nó có từ tính chung rộng, hay tính không thiên vị. Tôi đề nghị thực tập như sau: Khi nào, trong một câu văn diễn bày quan điểm chính trị, có những từ kích động tình cảm mạnh mẽ khác nhau nhưng tùy cá nhân khác biệt, hãy thay chúng bằng các ký hiệu, A, B, C,... vân vân và quên đi ý nghĩa riêng của những ký hiệu. Thí dụ A là nước Anh, B là nước Đức, và C là nước Nga. Chừng nào bạn còn nhớ các chữ cái này mang nghĩa gì, hầu hết những gì bạn sẽ tin, sẽ tùy thuộc vào bạn là người Anh, là Đức, hay là Nga, là những điều không liên quan gì với lôgích. Khi nào, trong môn algebra sơ đẳng, bạn giải bài toán có A, B và C leo núi, bạn không có bận tâm tình cảm nào về kẻ leo núi, và sẽ gắng hết sức giải bài toán thật đúng đắn không thiên vị. Nhưng nếu bạn nghĩ A là chính bạn, B là đối thủ bạn ghét và C là thày giáo ra bài, tính toán của bạn rồi ra có thể sai lệch, bạn chắc có thể giải A đến trước nhất và C sau chót. Khi suy nghĩ các vấn đề chính trị ắt sẽ xảy ra tình cảm thiên vị loại này, và chỉ có quan tâm và thực hành mới có thể giúp bạn suy nghĩ khách quan như khi giải toán algebra.

Suy nghĩ với các từ trừu tượng dĩ nhiên không phải là cách duy nhất nói chung để đạt đến đạo đức; cũng có thể đạt đến như thế, và có lẽ còn hay hơn, nếu bạn có thể cảm được những xúc động chung. Nhưng với đa số, điều này là khó khăn. Nếu bạn đói, bạn sẽ bương chải mạnh lắm, nếu cần thiết, để tìm thức ăn; nếu con cái bạn đói, bạn có thể cảm thấy một sự cấp bách còn lớn lao gấp bội. Nếu có bạn bè đang thiếu cái ăn, bạn chắc sẽ tận lực, hết sức giúp bạn mình cho qua cơn hoạn nạn. Nhưng nếu bạn nghe nói có một vài triệu người Ấn hay Tàu đang trong nguy hiểm chết người vì nạn thiếu ăn, vấn đề thật quá rộng lớn và quá xa xôi, trừ khi bạn có một trách nhiệm chính quyền nào đó, bạn sẽ sớm quên hết tất cả. Dẫu gì đi nữa, nếu bạn có khả năng xúc cảm để cảm thấy bén nhậy về một mối hiểm nghèo ở xa, bạn có thể đạt đến đạo đức phổ quát bằng cảm xúc. Nhưng nếu bạn không có cái thiên bẩm họa hiếm này, tập quán xem xét các vấn đề thực tiễn một cách vừa trừu tượng lẫn vừa cụ thể là sự thay thế tốt nhất.

Mối quan hệ hỗ tương giữa logich và xúc cảm trong đạo đức nói chung là một chủ đề đặc sắc. “Ngươi hãy yêu láng giềng như chính ngươi” nhắm vào xúc động chung; “Các phát biểu đạo đức không nên có chứa tên riêng” nhắm vào logich chung. Hai châm ngôn nghe rất khác nhau, nhưng sau khi xem xét, sẽ thấy chúng chẳng khác nhau mấy trong ý nghĩa thực tiễn. Người có lòng nhân sẽ thích hình thức truyền thống kể trước, người nặng trí logich sẽ thích lối sau. Tôi thật chẳng biết trong hai, ai là số ít. Dù cách nói nào cũng thế, nếu được các nhà lãnh đạo chấp nhận và dân chúng của họ tán thành, sẽ nhanh chóng đưa đến thời hoàng kim. Jews và Arập sẽ cùng nói với nhau: “Chúng ta hãy xem làm cách nào tạo một lượng thực phẩm nhiều nhất cho cả hai bên, mà không phải bận tâm vào sự tìm hiểu chi tiết phân chia ra sao giữa chúng ta”. Hiển nhiên là mỗi nhóm sẽ thu được thật nhiều những gì để tạo hạnh phúc cho cả hai hơn là chẳng ai hiện nay có được. Cũng đúng như thế cho người theo đạo Hindu và đạo Islam. Những người cộng sản Tàu và những người theo Chiang Kai-shek, người Italians và Yugoslavs, người Russian và các nước Tây Âu dân chủ. Nhưng than ơi, chẳng trông đợi gì có logich hay nhân ái, từ hai bên những tranh chấp phe phái kể trên.

Không giả dụ rằng những người trẻ nam hay nữ, đang bận bịu học hỏi những kiến thức chuyên môn giá trị, có thừa được thật nhiều thời giờ để học triết học, nhưng dẫu chỉ trong khoảng thời gian có thể dành ra thoải mái mà không tổn thương chuyện học hành các kỹ thuật tinh sảo, triết học có thể đem lại chắc chắn một số điều sẽ làm tăng giá trị con người và tư cách công dân của người sinh viên lên rất nhiều. Nó có thể đem lại một tập quán suy nghĩ chính xác và cẩn thận, không chỉ trong toán học và khoa học, nhưng trong những câu hỏi có ý nghĩa thực tiễn. Nó có thể đem lại một tầm rộng và tầm xa khách quan cho quan niệm về các mục đích đời người. Nó có thể đem cho cá nhân một sự đo lường công bằng về chính anh ta với xã hội, về con người hiện tại với con người trong quá khứ và trong tương lai, và về toàn thể lịch sử loài người so với vũ trụ vô cùng. Bằng mở rộng những đối tượng suy tưởng của mình, nó cung cấp một liều thuốc giải cho các lo âu và thống khổ của hiện tại, và mở ra thành được cái thông lộ gần nhất dẫn đến thanh thản, có đấy cho một trí tuệ nhạy bén trong thế giới trầm luân và vô thường[23] của chúng ta.



Bertrand Russell (1950)
Lê Dọn Bàn tạm dịch- bản nháp thứ nhất
(Oct/2009)

--------------------------------------------------------

[1] Russell, “Philosophy for laymen”, in Unpopular Essays London: George Allen and Unwin, 1950: 47.

[2] Chăn nuôi và canh nông. (Tất cả chú thích của người dịch, do đó các sai lầm trong chú thích – nếu có - là của người dịch).
[3] Thomas Jefferson (1743 – 1826) Tổng thống thứ ba của nước Mỹ, là tác giả chính của bản Tuyên Ngôn Độc Lập, ông nói rất mạnh mẽ về vấn đề bãi bỏ nô lệ, đã nhiều lần thực hành ý tưởng này - bãi bỏ hay ít nhất giảm thiểu chế độ nô lệ.
Tuy vậy phải đợi đến vị tổng thống thứ 16 - Abraham Lincoln – mới bắt đầu thành công chính thức.
[4] Philosophy: từ cổ Greek: φιλοσοφία (philosophía), có nghĩa “yêu thích sự khôn ngoan” (“love of wisdom.”) - Chúng ta mượn theo người Tàu đã dịch là - triết học - 哲學. Dùng một từ Tàu để chỉ một ý Tây phương, nên khập khiễng, thiếu sáng sủa, gây khó khăn cho người đọc; vì nếu triết tự chữ “triết” – nó không rõ có chứa hai ý chủ yếu của từ philosophy: lòng yêu thích + sự khôn ngoan.
Wisdom sang tiếng Pháp là sagesse, nhưng người có sagesse là sage = hiền giả, (Tàu-dịch và chúng ta dùng theo), Socrates là triết gia, mà cũng còn gọi ông là hiền giả.
Vậy, philosophia hiểu là yêu thích sự hiểu biết có tính khôn ngoan, sáng suốt, có chỗ dịch là yêu thích trí tuệ, như vậy đi quá xa, tuệ wisdom không cùng tính chất, mặc dù hiện nay”tuệ trí” trong Phật học cũng thường tạm dịch ngược sang Anh ngữ là wisdom.
Tìm nhắc về gốc của một từ (etymology) không phải là định nghĩa từ ấy, để có ý niệm chính xác triết học là gì - một định nghĩa về nó phải nói đến đối tượng và phương pháp của nó.
Khi gặp một từ Tây phương, chúng ta có thói quen - không mấy khôn ngoan - xem người Tàu dịch ra sao, rồi mượn âm Hán Việt, đem dùng.
- Như thế chúng ta học một ý niệm Tây phương - không trực tiếp, nhưng gián tiếp, qua ngôn ngữ và cách hiểu của người Tàu, không giàu thêm, vì ý niệm mới - vốn không có - phải nhập cảng, nhưng từ để chỉ ý niệm đó, cũng nhập cảng nốt. Từ mới đó không phải của chúng ta, mà là từ Tàu. Tạm gọi là từ Tàu-dịch; Ngôn ngữ chúng ta không giàu, phát triển thêm, ngày càng dày dặc những từ Tàu-dịch. Đến mức, người đi học phải biết chữ Tàu, để hiểu một từ, vốn là nguyên gốc của Tây phương và nội dung hoàn toàn từ và của Tây phương (thí dụ: quĩ đạo, quĩ tích, tích phân, tiến hóa, biện chứng, duy tâm, xã hội, tư bản, điện toán, giải mã, lập trình...)
- Các từ ngữ gốc, trong thế giới tư tưởng Tây phương, dần dà với thời gian, ý nghĩa của nó sẽ thay đổi, hay mở rộng, chuyển biến, nhưng chúng ta vì mượn từ Tàu, âm Tàu, có thể họ đã dịch đúng - nhưng đúng với hai tháng hay hai trăm năm trước - nay không trọn đúng nữa, nên khi chúng ta tiếp tục dùng các từ Tàu-dịch này, không bắt kịp sự thay đổi - rất nhạy cảm trong nội dung ý nghĩa - của từ gốc, có thể hiểu sai lạc, khiến suy tưởng lệch lạc, nghèo nàn.
Đôi điều để suy nghĩ thêm.
[5] Sennacherib: hoàng đế Assyria (704 – 681 BC)
[6] Aeschylus: (525 BC/524 BC – c. 456 BC/455 BC) nhà viết kịch cổ thời Greek. Thường được xem là người khai sinh ra tragedy. Nay chỉ còn một bản kịch -Prometheus Bound – nhưng nghi ngờ và không chắc là của ông.
[7] Thomas Aquinas (1225-1274) nhà thần học, lý thuyết gia nổi tiếng nhất của giáo hội Catô, ông được nhà thờ xưng tụng là thánh, vốn là tu sĩ, học giả dòng Dominican, Italy.
[8] John Duns Scotus (1265/66-1308) tu sĩ dòng Franciscans, Scotland – là một lý thuyết gia thần học nổi tiếng và có ảnh hưởng rất lớn lao thời Trung Cổ Âu châu.
[9] Pythagoras, khoảng 500 BC, có những phát kiến quan trọng về thiên văn: Biết quả đất hình cầu – dù do tin khối cầu là dạng tuyệt hảo nhất – hơn là có bằng chứng khoa học chính đáng. Ông cũng biết quĩ đạo mặt trăng nghiêng về xích đạo quả đất, và là người đầu tiên nhận ra sao Hôm và sao Mai là một (sao Kim –Venus)
[10] Anaximander người thành Miletus (c.612-545 BC), Triết gia Greek, học trò Thales, viết bản văn “Về Tự Nhiên” (“On Nature”) trong đó ông đưa ra khái niệm về biển/tiến hóa (evolution), tuyên bố rằng sự sống khởi đi từ một thứ chất nhờn lỏng (slime) ở đại dương và sau dần chuyển lên những chỗ khô cạn. Ông cũng đã đưa ra ý niệm các giống vật biến/tiến hóa theo thời gian.
[11] Empedocles (c.490-430 BC) Triết gia, nhà thơ, và nhà chính trị ở Agrigentum, đảo Sicily. Trong thuyết về nguồn gốc vũ trụ (cosmogony) của ông có thể xem là một thuyết thô sơ về tiến hóa (evolution), tuyên bố con người và các động vật đều tiến hóa từ các dạng trước nó (antecedent forms.)
[12] Tín đồ giáo phái Arianism từ nhà thần học Kitô người Greek Arius (?250-336 AD), nhóm Kitô này tin Christ, tuy là con god, nhưng chỉ là người thường, không là thần thánh. Bị đàn áp, nhưng không hoàn toàn bị dập tắt, vẫn còn ở Germany đến thế kỷ VII, và đến nay trong tín đồ các phái Unitarianism (không tin vào god ba ngôi - nhưng chỉ một) và Jehovah's Witnesses.
[13] Điển hình là cuộc chiến 30 năm - Thirty Years War (1618-1648) – những người Tin lành Bắc Âu bị liên quân Catô La Mã tàn sát – riêng nước Đức ước đoán từ 6 đến 14 triệu người chết, 1/3 dân số nước Đức thời ấy.

Trước đó, tại Pháp, cuộc tàn sát Massacre de la Saint-Barthélemy những người Catô La Mã Pháp giết hại những người Huguenots - là những người Tin lành Pháp (1562-1593) – ước định từ 5 đến 30 nghìn người bị tàn sát.

Trong chiến tranh cuồng tín tôn giáo – kẻ giết người tự xem mình thi hành sứ mạng trừng phạt của god, và nạn nhân, vì khác tín ngưỡng nên thấp hơn con người, hay không còn được xem là người; do đó sự tàn ác, dã man ra ngoài thước đo nhân tính.
[14] Lời Jesus nói với tín đồ, khi chính ông tin ngày tận thế sắp xảy ra nay mai, và vương quốc Chúa thành đến nơi rồi. Tín đồ nên tẩy sạch của cái vật chất của mình đi – như đem cho người nghèo.
[15] Vua George (1762-1830) nước Anh, ở tuổi già lẫn lộn, trong một bữa tiệc có mặt Wellington, tuyên bố là mình cũng có tham dự trận Waterloo (1815). Điều này không có thực.

[16] Muggletonians - một nhóm Tin lành nhỏ, nước Anh; người chử xướng là Lodowicke Muggleton, bắt đầu tại London, từ 1651. Họ tránh tất cả các hình thức nghi lễ, giảng đạo. Các “tín đồ” gặp nhau bàn luận xã giao vui vẻ, bình đẳng, không chính trị, hòa ái, hoàn toàn tránh chuyện giảng đạo.

Họ hay gặp nhau ăn uống tối, tiệc tùng thường có rượu bia (beer) nhưng không say sưa, về nhà sớm.
[17] Russell mỉa mai nhắc lại truyền thống đốt người của đạo Kitô. Nhà thờ của những người đạo Kitô này có lịch sử rất dài đã làm những chuyện ác độc – thiêu sống là một - như thế, với những người bất đồng tin tưởng tín ngưỡng với họ hay với đồng đạo không tuân thủ theo các quan điểm chính thức của giáo hội. Nhưng ngay chính niềm tin tướng căn bản của những người Kitô, như tin có god , thực ra vẫn chỉ là giả thuyết (hypothesis) – dù có đông đảo tin theo, vẫn nghĩa là không/chưa chắc chắn (và có thể mãi mãi không bao giờ thành) là sự thực, là chân lý (như hai nhân hai là bốn).

Vậy không thể dựa trên một điều chưa/không chắc chắn để hành động – đốt người – vì đốt người thì ác độc – mà ác độc là chắc chắn, không ai có thể nghi ngờ, dù trong hay ngoài tôn giáo nào đi nữa.

Nguyên tắc ông đưa ra – khi không chắc chắn thì không thể hành động như mình chắc chắn, vẫn hành động nhưng sao cho khôn ngoan để hành động (trên nền tảng chưa chắc chắn) của mình không gây hậu quả tai hại.

Nói theo đạo đức chính trị Á đông – thà tha lầm hơn giết lầm, là một thí dụ. Giản dị, dễ hiểu, nhưng lịch sử nhân loại cho thấy – rất khó nên hiếm được thực hành.
[18] Triết học về nhân sinh. Tương tự, môn thiên văn học là khoa học cổ xưa nhất, các hiền giả Đông Tây (Hylạp, Ấn, Tàu) đều tìm hiểu sự vận hành của các tinh thể trên vòm trời, tin là có một trật tự nào đó trong đó mà sau khi biết được rồi, nếu con người cùng ứng xử theo cho thuận hợp, thì tìm được thịnh vượng, hạnh phúc khi hình nhi thượng (vũ trụ) và hình nhi hạ (nhân văn) hài hòa.
[19] Tên gọi chung nhóm các nhà thông thái, sống bằng nghề dạy học (có thu học phí) các môn triết học, khoa học, tu từ hùng biện (rhetoric) - cổ thời Greece, Athens, thế kỷ V BC.

Những người nổi tiếng như Protagoras, Gorgias, Prodicus và Hippias.

Ngày nay, chúng ta biết về và nhìn họ, qua bài viết của Plato (sophist) - theo Plato, họ là những kẻ tham lam, không thực sự tôn trọng chân lý, nhưng chủ tâm tìm quyền lực. Cả ba thày trò Socrates, Plato, and Aristotle đều không xem các sophists là triết gia.

[20] Chỉ quyến kinh Thánh của đạo Kitô.
[21] Auguste Comte (1798-1857): triết gia Pháp lập một “tôn giáo thế tục” là chủ nghĩa thực chứng (Positivism), đề cao lý trí và logich. Sau đó ông hệ thống hoa nó thành một tôn giáo của nhân loại (Religion of Humanity - Religion de l'Humanité) với đầy đủ tu sĩ, lịch các thánh và giáo chủ là...ông!
[22] Từ khác chỉ Greek – Từ này “Hellenes” - cổ hơn và người Tàu đã phiên âm thành “Hylạp”, tên gọi như vậy vì người Greek cho mình là dòng dõi từ một ông tổ là Hellen, con của Deucalion, và là cháu của Prometheus and Pronoia.
[23] Nguyên văn: “tortured and uncertain world”- nếu dịch sát, nhưng hẹp nghĩa là “thế giới đọa đày và bất định”.